Đặc sản miền sông nước - taycat.com.vn
Công ty TNHH Tây Cát

Đặc sản miền sông nước

Đặc sản miền sông nước


Đối với tôi mà nói, hình ảnh này là đặc sản quê hương, là thứ mà tôi muốn chia sẻ lại với mọi người Việt Nam yêu dấu. Bởi, với miền Tây nói riêng và người dân Việt nói chung thì hình ảnh con sông cái xuồng (thuyền) quá đỗi quen thuộc, nó là 1 phần hình hài của tổ quốc thân yêu.
 
Nếu ai đó đã đến Inle Lake của Myanmar thì chắc hẳn sẽ biết đến hình ảnh thơ mộng của những gã ngư phủ với vũ điệu chài lưới thì người anh nông dân miền Tây với cái lưới cái chụp cũng là nghệ sĩ của miền sông nước ruộng đồng mênh mông.
 
Tôi đặc biệt yêu mùa nước nổi, mùa đặc sản của người miền Tây Nam Bộ, bởi mùa này tôi ko lo đồ ăn, do cá đầy đồng, nước ngập đầy mặt sông. Chỉ cần với những dụng cụ bắt thô sơ là có thể kiếm vài con cá cho bữa cơm nghèo. Có thể kể đến những môn bắt cá tôi đã từng kinh qua như:
– Câu cá: với khả năng của tôi thì chỉ dùng có 2 loại lưỡi câu, hoặc câu cá lòng tong bằng lưỡi nhỏ và câu cá rô bằng lưỡi to – cứng hơn tí. Câu cá lòng tong thì hao mồi lắm, bởi loài cá này ở mặt nước, lại đông con. Thường nhất là câu cá rô đồng, mồi cho nó là những con trùn béo ụ. Để bắt trùn, tôi dùng dao đào mấy chỗ đất ẩm có phân trùn nổi lên trên, bắt từng con bỏ vào cái miểng dùa (nửa vỏ trái dừa khô) có lót cám. Để móc vào lưỡi câu thì chỉ cần cắt 1 đoạn 1-2cm thôi, nên chỉ cần vài con trùn là có thể làm mồi cho cả buổi câu. Cá rô hay ở sâu dưới các hốc cây dưới nước, thi thoảng cũng dính cả cá chốt hay cá rô biển. Đó là cái thời…còn học cấp 1 cấp 2 thôi.
– Mùa nước, nhà sắm cho vài thước lưới cá linh (mắc lưới vừa cho con cá linh trưởng thành), sáng sớm chống xuồng đi ra ruộng tìm chỗ rồi dọn cỏ thả lưới, vài tiếng sau thăm lưới. Thường thăm 3 lần, sáng, trưa và chiều là cuốn lưới mang về. Giăng lưới cá linh chứ có khi ít dính cá linh mà dính cá sặc, cá gằm hoặc cá rô. Chiều tối còn dính cả cua hay rắn.
– Lưới kéo: cái này thì phải 2 người cùng nhau làm mới được và cũng chỉ kéo ở những khoảng ao/ ruộng lớn, trầm mình dưới nước, kéo khá vất vả mới được, mà có khi chỉ được ít cá bởi khi người kéo động nước thì cá sẽ trốn.
– Lưới chụp, là đồ bắt cá như trong hình. Lưới có hình vuông tầm 1.5-2m2 tùy sức người, được căng 4 góc bằng 4 thanh trúc/ tre nhỏ kéo lên cột chụm lại. Lưới dạng này cũng chỉ bắt ngẫu nhiên cá sặc, cá gằm, hoặc cá rô, may mắn thì các loại cá trắng khác. Nguyên lý khá đơn giản: đặt chụp cá dưới lòng sông/ mương, chạm đáy, đợi tí rồi giở lên, con cá nào đi ngang thì bị hớt trúng.
đặc sản
 
Đối với tôi thì đây là những biện pháp đánh bắt bền vững nhất mà người dân đã và đang áp dụng. Tuy nhiên, lòng người tham lam, bây giờ không còn nhiều người dùng cách này, họ toàn dùng siệt điện hoặc lưới quàng (to, bao hết cả 1 con kênh/ sông), họ bắt hết cá to cá nhỏ, từ đó dẫn đến việc miền Tây ngày càng vắng bóng những con cá quen thuộc một thời nữa.
 
Và từ đó, những kiểu đánh bắt thế này trở thành đặc sản, như đặc sản Tư Bông – đặc sản Đồng Tháp, đặc sản Miền Tây, đáng được trân trọng và duy trì!
Với niềm tự hào là người dân quê chân chất, nếu bạn muốn hỏi về du lịch Miền Tây, du lịch Đồng Tháp, hoặc mua gì làm quà khi đến xứ đồng bằng, bạn có thể tìm đến tôi nhé!
CÁC THỦY
5/5 - (1 bình chọn)

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Nhận tin khuyến mãi

Hãy là người đầu tiên biết về các chương trình khuyến mãi đặc biệt và các sản phẩm!